Pages

Saturday 15 February 2014

Phạm Công Thiện bàn về Kafka

http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8580&rb=0105
"Ý thức mới trong văn nghệ và triết học": Chương 3- "Ý thức cô lập – Nỗi quằn quại của Kafka"


"Xin đừng gõ cửa, vì cửa không bao giờ mở. Chúng ta đã đi lầm nhà, vì nhà của Kafka không có cửa.
Đi đến Kafka, xin đừng chuẩn bị. Hầu hết những nhà phê bình Âu Mỹ đã viết cả một thư viện vô ích khi họ cố gắng giải thích Kafka. Giải thích Kafka sẽ thất bại như giải thích Hư vô. Trong những nhà phê bình Âu Mỹ, chỉ có Alfred Kazin và Paul – Louis Landsberg là hiểu rõ thái độ của người đọc trước tác phẩm Kafka. Những nhà phê bình khác đã cố gắng trình bày Kafka như là một bài toán khó hiểu, rồi họ cố gắng tìm đáp số. Họ không thể nào tìm đáp số được; vì tác phẩm của Kafka không phải là một bài toán.
Tại sao Kafka viết văn? Kafka không viết. Nỗi cô đơn của Kafka đã viết. Ta không thể nào hiểu được nỗi cô đơn của Kafka, vì mỗi người có một nỗi cô đơn riêng; mỗi người cảm riêng nỗi cô đơn của mình. Không có siêu hình học Kafka; chỉ có nỗi cô đơn Kafka. Không có vấn đề Kafka mà chỉ có kinh nghiệm Kafka; không có “problème” mà chỉ có “expérience” hoặc “sensibilité” hoặc “mystère” (theo nghĩa triết lý của Gabriel Marcel). "

"Tác phẩm Kafka là kinh nghiệm đau thương của những đêm ngày thao thức bên hố thẳm Hư vô, Hư vô kinh khiếp đã biến đổi Kafka thành một kẻ xa lạ, một người bị lưu đày, một kẻ mất gốc, một người phạm tội và một con vật."

"Đọc Kafka (cũng như đọc Rimbaud hay những thiên tài phi lý khác), nếu ta hiểu được là hiểu ngay lập tức, còn nếu ta không hiểu được thì dù có công phu khó nhọc đọc đi đọc lại đến mười lần cũng không thể nào hiểu được. Kafka (hay Faulkner) viết văn không phải cố ý làm cho khó hiểu kỳ hoặc. Nếu Kafka (hay Faulkner) có khó hiểu chăng; đó là chính ta đã làm ra khó hiểu, vì trước khi đọc, ta cố ý đi tìm xem Kafka (hay Faulkner) muốn nói những gì; đừng nên tìm kiếm gì cả, cứ đến tác phẩm Kafka (hay Faulkner) như đến một nghĩa địa vào buổi hoàng hôn. Và ta sẽ hưởng được nhiều cảm giác mông lung lạnh lẽo. Nếu đem cái óc lý luận phê bình của ta mà đọc Kafka, ta sẽ thấy vô lý và chán nản ngay bởi vì giọng văn của Kafka lơ thơ lạnh lùng như mấy cơn gió hiu hắt ở bãi tha ma và phản luận lý học như những nấm mồ xơ xác…"

"Kafka xa lạ, Kafka bị đày. Kafka mất gốc, Kafka phạm tội: tất cả Kafka xa-lạ-bị-đày-mất-gốc- phạm-tội đều nằm trong “Métamorphose”."

"Tình yêu, Văn chương. Tất cả đều thất bại. Kafka đã trốn Hư vô, nhưng làm gì trốn được, bởi vì Hư vô ở ngay trong người Kafka; trốn Hư vô là trốn minh, giết Hư vô là giết mình; bởi vì Kafka và Hư vô. Bởi thế khi Kafka vừa diệt được Hư vô thì vừa lúc ấy, bóng tối kêu gọi Kafka trở về…"


_______________________________________________________

Tôi không hoàn toàn đồng ý với mọi điều Phạm Công Thiện viết. Chẳng hạn, "The metamorphosis" tôi đọc 3 lần, mỗi lần 1 ấn tượng và cảm xúc khác nhau, mỗi lần thấy 1 cái mới. Và bắt đầu đọc từ truyện cực ngắn, khoảng năm 2009 hay 2010, tới truyện ngắn, rồi tới các truyện dài, tới khi đọc "The metamorphosis" lần thứ 3 rồi đọc cuốn "Amerika" tôi mới nghe thấy tiếng cười của Kafka, và của chính tôi, bên dưới tất cả những cô đơn phi lý lạnh lẽo. 
Tôi cũng cho rằng, mặc dù Kafka có vẻ viết văn personal hơn nhiều nhà văn khác và không khỏi chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống, bối cảnh lịch sử, quan điểm chính trị, thời thơ ấu, hoàn cảnh gia đình và công việc, người ta không nên gắn quá chặt hình ảnh Kafka của Max Brod và các bài tiểu sử vào các tác phẩm vì có thể sẽ không thấy 1 số giá trị nếu không phần nào tách riêng Kafka tác giả và Kafka con người ngoài đời. Trong bài giảng về "The metamorphosis", Nabokov chủ yếu tập trung vào tác phẩm và gần như không đả động đến con người tác giả với tất cả những vấn đề và mâu thuẫn bên ngoài có thể tác động đến tác phẩm. 
Nhưng tất nhiên, nói thì nói thế, đoạn Phạm Công Thiện viết cũng rất thú vị, nên lưu lại. Rất có thể sắp tới đọc "The castle" bản thân tôi cũng không thể rũ bỏ tất cả những gì đã biết về cuộc đời và tâm lý Kafka. Ai biết được.

No comments:

Post a Comment

Be not afraid, gentle readers! Share your thoughts!
(Make sure to save your text before hitting publish, in case your comment gets buried in the attic, never to be seen again).